Wu CongMing, quốc tịch Trung Quốc, bị cáo buộc cùng nhóm tội phạm nước ngoài dùng thiết bị giả trạm thu phát sóng vô tuyến BTS, gửi tin nhắn rác đến các điện thoại trong khu vực.
Ngày 30/8, Wu CongMing, 56 tuổi; Thôi Vĩ Quốc (36 tuổi), Phùng Lạc Tòng (37 tuổi) bị Công an quận 10 phối hợp Bộ Công an bắt để điều tra hành vi Xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác theo Điều 289 Bộ luật Hình sự.
Trước đó, cảnh sát phát hiện băng tội phạm người Hong Kong cấu kết với những nghi can Trung Quốc và nhiều người Việt gốc Hoa thực hiện các hành vi xâm nhập sóng điện thoại nên đã lên kế hoạch bắt giữ.
Cơ quan điều tra xác định, từ tháng 6, Wu CongMing được hai người quốc tịch Hong Kong (chưa rõ lai lịch) liên hệ, nhờ tìm người chở thiết bị giả trạm thu phát sóng vô tuyến BTS để phát tán tin nhắn trái phép có nội dung quảng cáo trang web cá cược đến thuê bao di động của người dùng.
Theo thỏa thuận, hai người này sẽ cung cấp thiết bị, yêu cầu Wu CongMing tìm thuê Tòng, Quốc chạy ôtô chở trên đường để máy hoạt động, sẽ được trả công. Họ tạo nhóm chat trên ứng dụng WhatsApp để chỉ đạo, liên lạc.
Sau khi lên kế hoạch, cuối tháng 7, hai người Hong Kong mang thiết bị giả trạm BTS đến chỗ ở của Wu CongMing tại quận Bình Tân cất giữ. Trong vòng hơn một tuần, Tòng lái ôtô chở theo máy móc qua nhiều tuyến đường để vận hành thử, theo dõi và gửi kết quả vào nhóm chat để báo cáo.
Đầu tháng 8, Tòng tiếp tục chở thiết bị giả trạm BTS, có chức năng phát tán tin nhắn rác đến khu vực đường Hùng Vương (quận 10) để hoạt động thì bị trinh sát khống chế.
Cơ quan điều tra cáo buộc, Wu CongMing, Quốc, Tòng giúp sức cho nhóm người Hong Kong “sử dụng thiết bị giả trạm BTS làm nhiễu việc phát sóng bình thường của các trạm BTS đã được cấp phép, làm cho các thiết bị điện thoại di động bị tác động không sử dụng được dịch vụ, không gọi điện, nhắn tin được”. Việc này gây cản trở, làm các nhà mạng mất doanh thu.
Theo Cục An toàn thông tin – Bộ Thông tin và Truyền thông, trạm BTS giả có kích thước ngang chiếc valy, có thể áp chế mọi điện thoại trong tầm phủ sóng, hạ cấp mạng xuống 2G và gửi tin nhắn theo ý đồ. Thiết bị có thể được đưa lên ôtô hoặc xe máy để di chuyển và phát tán tin nhắn tới thuê bao lọt vào vùng phủ sóng, mỗi thiết bị BTS giả có thể phát tán 70.000 tin nhắn mỗi ngày.
Thời gian qua, người dùng ở nhiều khu vực tại TP HCM nhận được tin nhắn chứa brandname mạo danh ngân hàng, quảng cáo cờ bạc, hoặc có nội dung khiêu dâm từ người gửi được đặt tên như “lam tinh”, “len dinh”, “tinh mot dem”…
Đây là tin nhắn lừa đảo, dụ người dùng truy cập đường link để cài phần mềm độc hại hoặc đánh cắp thông tin tài khoản. Để gửi tin nhắn brandname đến người dùng, thủ đoạn chung của kẻ gian là tạo ra một trạm phát sóng BTS giả.
Theo điều tra từ các nhà mạng, trong hầu hết vụ phát tán tin nhắn bằng BTS giả ở Việt Nam, kẻ tấn công lợi dụng cơ chế bảo mật yếu của mạng 2G (GSM), vốn không yêu cầu xác thực trạm BTS với thiết bị đầu cuối, cùng cơ chế hoạt động của điện thoại là luôn kết nối đến trạm có sóng mạnh nhất.
Công an TP HCM tiếp tục khuyến cáo người dân tuyệt đối không mở đường link, liên kết trong tin nhắn lạ, không rõ nguồn gốc, không đăng nhập tài khoản cá nhân vào những địa chỉ này.