Theo VKS, 135 bị cáo theo chỉ đạo của “ông trùm” Li Zhao Qiang đã tính lãi “cắt cổ” với người vay qua App, đòi nợ khủng bố tinh thần bằng nhiều thủ đoạn.
Ngày 29/8, sau 8 ngày xét xử, đại diện VKSND Hà Nội công bố luận tội và đề nghị mức án với 135 bị cáo trong vụ án cho vay lãi nặng, liên quan ông trùm người Trung Quốc, Li Zhao Qiang, đang bị truy nã quốc tế.
Với số tiền lương các bị cáo nhận, tùy vị trí chức vụ có người vài triệu đồng, có người đến 70 triệu đồng mỗi tháng, VKS đánh giá các bị cáo phạm tội chủ yếu do tư lợi, “mục đích kiếm tiền và kiếm được nhiều tiền”. Các bị cáo tham gia có tổ chức và tính chất chuyên nghiệp, dưới sự chỉ đạo của Li Zhao Qiang, đã thành lập các công ty với mục đích cho vay nặng lãi và cưỡng đoạt tài sản của khách vay để có chi phí trả lương cho nhân viên.
Bản luận tội nêu nhóm telesale mời chào khách vay, câu dụ khách vay tiền với lãi suất “cắt cổ” và với mức phí ép buộc tới mức không thể trả được. Các bị cáo trong nhóm nhắc nợ và truy thu nợ dùng các thủ đoạn từ gọi điện nhắc trả nợ, tần suất tăng dần, đến đe dọa, chửi bới, cắt ghép hình ảnh đồi trụy, làm người vay lo sợ, phải trả tiền.
VKS cho rằng cần áp dụng hình phạt thật nghiêm khắc mới có tác dụng giáo dục với bị cáo và bài học chung cho những loại tội phạm tương tự. 10 bị cáo có vai trò đầu vụ, làm việc dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Li Zhao Qiang nên cần bị phạt nặng nhất.
Cụ thể, “bà trùm” Trương Mẫn, phụ trách bộ phận truy thu nhắc nợ, bị VKS đề nghị mức án cao nhất, 10-11 năm cho tội Cưỡng đoạt tài sản, 2-3 năm do Cho vay lãi nặng, tổng hợp 12-14 năm tù.
Cùng bị truy tố hai tội danh trên, Nguyễn Quang Vũ, 37 tuổi, trú Hà Nội, người được Li Zhao Qiang giao nhiệm vụ thay mình điều hành “thị trường Việt Nam”, bị đề nghị 11-13 năm tù. Nghiêm Đức Giang và Phạm Quang Yên, trưởng các nhóm đòi nợ, bị VKS đề nghị lần lượt 6-9 năm và 6-8 năm tù.
Bị cáo Lưu Đơn Dương, cựu giám đốc YooPay Việt Nam, bị đề nghị 36-45 tháng tù về tội Trốn thuế và Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự.
Trong 135 bị cáo, 42 người được VKS đề xuất cho hưởng án treo.
VKS xác định, năm 2017 Li Zhao Qiang, 29 tuổi, sang Việt Nam rủ 2 đồng hương Zhang Min (Trương Mẫn) và Liu Dan Yang (Lưu Đơn Dương), móc nối với Nguyễn Quang Vũ cùng phát triển và quản lý hệ thống công ty cho vay lãi nặng qua app, lãi suất 43.000-60.000 đồng cho một triệu đồng trong một ngày, tương đương 1.570-2.190% một năm.
Vũ thay mặt chủ mưu Qiang phụ trách hoạt động cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê. Trương Mẫn phụ trách nhắc, truy thu, đòi nợ; còn Lưu Đơn Dương đảm nhận giải ngân và thu tiền của khách vay thông qua các công ty thanh toán trung gian.
Cả nhóm tuyển nhân viên ở Việt Nam phục vụ cho 3 mục đích chính: mời chào vay nợ, nhắc nợ và đòi nợ thuê.
VKS xác định tiền nguồn tiền cho vay qua các App đều của ông trùm Qiang. Do là thân cận của Qiang tại Việt Nam, bị cáo Vũ được giao mật khẩu đăng nhập và quản lý các App.
Vũ giao bị cáo Trần Thị Hằng (31 tuổi, trú tỉnh Hòa Bình) tuyển dụng đào tạo và quản lý 28 nhân viên Telesale để gọi điện, mời chào khách vay. Nhân viên mới được cung cấp máy tính cố định có cài phần mềm gọi miễn phí và file hướng dẫn trả lời từng tình huống có thể xảy ra, phải học thuộc các kịch bản này.
Khi được duyệt vay, hệ thống sẽ duyệt lệnh chuyển cho YooPay Việt Nam (do bị cáo Lưu Đơn Dương làm Giám đốc quản lý, điều hành) để thực hiện việc chuyển tiền vay. Khách sẽ bị cắt trước số tiền lãi suất và tính lãi 43.000-60.000 đồng/triệu đồng/ngày, tương đương lãi suất 1.570-2.190%/năm.
Nhà chức trách xác định, YooPay Việt Nam không được cấp phép hoạt động thanh toán trung gian tại Việt Nam. Đây là đơn vị do Qiang thành lập, đầu tư tiền rồi thuê người Trung Quốc phụ trách kỹ thuật lập trình hệ thống
Để truy thu tiền của khách vay chậm trả, ông trùm Qiang chỉ đạo, phân công Trương Mẫn và “tay sai” Nghiêm Đức Giang và Phạm Quang Yên phân chia khách vay thành 5 nhóm theo 5 cấp độ thời gian quá hạn trả nợ, để có biện pháp đòi nợ tương ứng, từ gọi điện đòi, đến gọi cho người thân, chửi bới, lăng mạ, đe dọa, ghép ảnh mặt khách hàng với các hình ảnh phản cảm như khỏa thân, quan tài, làm tình, truy nã… dọa phát tán tại khu phố, nơi làm việc của người vay.
Nhân viên đòi nợ, theo cáo trạng, được hưởng lương 3,9 triệu đồng/tháng và hoa hồng 5-9% số tiền đòi được.
Từ năm 2019 đến tháng 4/2022, khi vụ việc bị phát giác, nhà chức trách xác định các bị cáo đã cho 120.780 người vay nặng lãi, với tổng số tiền khoảng 1.600 tỷ đồng, thu lợi bất chính hơn 730 tỷ đồng.
Trong số này mới có 67 bị hại xác định được danh tính. Người vay nhiều nhất là người đàn ông trú quận Hà Đông, Hà Nội, vay tổng 183 lần trong vòng hai tháng giữa năm 2020 và 4 tháng cuối năm 2021. Anh này vay 485 triệu đồng song thực nhận chỉ 345 triệu, còn lại là lãi bị trừ ngay từ lúc giải ngân.
Hôm nay, phiên tòa tiếp tục với phần bào chữa của các luật sư.